Người thầy đầu tiên chính là ba mẹ đã sinh ra ta. Người dạy ta cách nói, cách đi và cả cách ăn uống. Có những ba mẹ còn dạy ta đạo lý làm người, hướng dẫn ta đối nhân xử thế từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội. Dù ba mẹ có mất đi, thì vẫn luôn liên hệ, dạy dỗ và nhắc nhở ta thông qua những kỷ niệm của gia đình và sợi dây tâm linh. Ba mẹ có lẽ là những người thầy không cần danh xưng nhưng lại quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta bởi công sinh thành, dưỡng dục và gắn kết với ta đến khi không còn trên cõi đời này nữa. Mẹ dạy tôi thông qua các câu chuyện cổ tích, tục ngữ từ khi tôi chỉ lên 5 lên 6, cho đến khi trưởng thành là Luật sư tôi vẫn còn nghe căn dặn từ mẹ trong việc đối đãi bạn bè, họ hàng đến xã hội. Ba tôi cũng là giáo viên, ban giám hiệu của trường tiểu học, trung học. Ông không chỉ dạy lễ giáo, mà còn động viên tôi trên từng hành trình vào đời. Ai trong chúng ta cũng có quyền tự hào về hai người thầy này. Thật phúc cho ai vẫn còn đủ đầy cha mẹ bên cạnh.  

Người thầy thứ hai chính là thầy cô trong nhà trường. Người thầy này dạy chúng ta kiến thức của sách đèn. Tri thức của nhân loại gói gém trong sách vở sẽ được người thầy giảng giải theo cách dễ hiểu nhất sao cho phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Người thầy ở trường tuy không sinh ra ta, nhưng cho ta nhiều bài học từ cơ bản đến nâng cao để ta có hành trang bước vào đời. Thỉnh thoảng đâu đó ta sẽ gặp người thầy khó tính hoặc hiền hậu nhưng tất cả những người thầy này đều cốt yếu mong muốn học sinh của mình đều trở nên thành công sau này. Do đó, càng thành công ta lại càng không nên quên ơn thầy cô. 

Người thầy thứ ba chính là người thầy nghề hay người thầy đời. May mắn thay cho ai có được người thầy này trong sự nghiệp của mình. Đây là người thầy không chỉ dạy cho ta tri thức, kỹ năng mà còn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho chúng ta noi theo. Câu nói: “thầy nào, trò đấy” luôn luôn đúng với mối quan hệ giữa ta và người thầy này. Điều đó cho thấy giữa ta và thầy phải có sự tương hợp nhất định. Nếu ai đó gặp được người thầy vừa giỏi chuyên môn, lại đạo đức sáng ngời thì rõ ràng đời người đó cũng được xem là đã “lên hương”. Gặp được người thầy nghề có tâm lại có tầm, cũng giống như chiếc xe ô tô chạy xăng lại hỗ trợ thêm điện, vừa nhanh, vừa êm ái lại ít tiêu hao nhiên liệu. Nhưng người thầy này có lẽ là khó gặp nhất, vì để gặp được người thầy này đòi hỏi không chỉ năng lượng của bản thân ta, mà còn phải có cái duyên, sự liên thông về tư tưởng, đạo đức của ta có đủ để kết nối và được thầy thu nhận hay không.  

Người thầy quan trọng thứ tư chính là sách. Đây là người thầy đặc biệt, vì đòi hỏi bản thân của mỗi học sinh đến lớp phải rất chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Người thầy này không khó, không dễ, không la mắng, không ngợi khen ta. Nhưng có khi chỉ cần 5 tiếng học từ người thầy này, có thể thay đổi tư duy, quan niệm của ta trong chục năm. Vì vậy, ta nhất định không lãng phí khi học từ người thầy này. Để có người thầy này không khó, chỉ cần thói quen là được. Thế nhưng hiện nay giới trẻ thường bỏ hàng tiếng đồng hồ lướt mạng xã hội, chơi game nhưng lại không ngồi đủ 2 giờ để đọc một cuốn sách hay.  

Đối với mình có lẽ may mắn khi có đủ đầy cả 4 người thầy trên. Con xin biết ơn tất cả những người thầy của con, đặc biệt người thầy thứ ba của con cô Kim Vinh, tiến sĩ Luật học, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, người đã đặt nền móng rất lớn để con có thể phát triển sự nghiệp “thầy cãi” của mình.  

Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, con kính chúc tất cả những người thầy của mình mỗi ngày trôi qua đều có niềm vui, sức khỏe, bình an trong tâm trí. 

Kính chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Luật sư Lê Nguyên Hòa. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11/2023

Like và Chia sẻ ngay
Theo dõi
Thông báo của
guest
3 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Lê Lý Nguyên Hải

Con cảm ơn ba vì những lời nói trên

Lê Nguyên Hòa

Cảm ơn con trai

Quỳnh Ny

Bài viết rất ý nghĩa 🥰