Tôi ngồi đợi kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Gần bên tôi là một bác đã ngoài 70, chắc cũng trạc tuổi mẹ tôi. Nghe giọng thì tôi biết bác là người miền Trung, cách nói chuyện chân chất, mộc mạc, đậm nét miền Trung không thể lẫn vào đâu được. Đi cùng bác là một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, có lẽ lớn hơn tôi vài tuổi. Anh ngồi cạnh bà, nhưng thỉnh thoảng điện thoại của anh lại reo. Đó là những cuộc gọi thăm hỏi từ người thân. Rồi đến lượt điện thoại của bác reo, khi thì con trai, lúc thì cháu gái gọi hỏi thăm. Miệng bác liên tục trấn an mọi người: “Má biết mà, nhìn kết quả là má biết, không sao đâu con.”
Anh con trai ngồi bên cạnh gọi điện thoại cho ai đó với kiểu giọng người Trung ở Sài Gòn: “Con đi đến đâu rồi? Bà quại ở khu D, tầng 1, con lên rồi đi tới phòng 255 nhang!” Một lúc sau, một chàng trai trẻ thuộc thế hệ Gen Z, cao ráo, nhanh nhẹn bước tới ngồi cạnh bà. Đúng là cháu quại của bà.
“Đưa đây con cầm cho.”
“Thôi được rồi, để quại.”
“Trời, đưa đây con.”
Cuộc đàm phán rất “miền Trung” giữa hai bà cháu khiến tôi mỉm cười. Cuối cùng, cậu cháu cũng thành công trong việc giúp bà cầm tệp hồ sơ, dù nó chẳng nặng nề gì, nhưng hành động đó thể hiện cái hiếu thảo, sự quan tâm của cháu với bà. Cả hai bà cháu không nói thêm gì, nhưng xung quanh ai cũng có thể cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương giữa họ – rất đậm chất miền Trung.
Chợt tôi nhớ đến mẹ mình mỗi khi đi khám bệnh. Khi mẹ đi khám, lúc nào cũng có con cháu đi cùng, còn anh chị em thì liên tục gọi điện hỏi thăm, dặn dò. Chỉ cần một người trong gia đình có bệnh là cả nhà lo lắng, hỏi han đầy đủ. Đến lúc khỏe mạnh thì có thể mắng mỏ đứa này đứa kia, nhưng hễ đau ốm thì cả nhà lại xúm vào chăm sóc, yêu thương. Người miền Trung xứ nẫu thế đấy.
Luật sư Lê Nguyên Hòa.
Viết trong lúc ngồi đợi khám bệnh, TP. Hồ Chí Minh, 9/9/2024.